Khoảng 20% trường nghề sắp bị ‘xoá sổ’

Đến năm 2025, số trường nghề sẽ bị giảm ít nhất 20% so với năm 2020, trong khi chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.

Theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt ngày 10/2, trong số bị cắt giảm có 40% là trường trung cấp công lập. Đến 2030, tỷ lệ số trường phải giảm lên ít nhất 30%.

Đây là một trong những biện pháp để sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả; thống nhất đầu mối quản lý một số đơn vị.

Ngoài giảm số lượng, Chính phủ đặt mục tiêu tăng chất lượng, năng lực của các trường nghề. Đến năm 2030, các trường nghề phải đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2045, trường nghề của Việt Nam cần có chất lượng đào tạo trong nhóm dẫn đầu ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), một số trường phải bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành nghề.

Về quy mô truyển sinh, đào tạo, quy hoạch của Chính phủ đặt mục tiêu đạt 2,5-2,7 triệu lượt người học nghề vào năm 2025, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 25%. Đến năm 2030, số lượt người học tăng lên 3,8-4 triệu, trong đó 25-30% người có trình độ cao đẳng, trung cấp.

Để đáp ứng mục tiêu này, khoảng 70.000 giảng viên, 14.000 nghệ nhân, chuyên gia sẽ tham gia giảng dạy ở các trường nghề vào năm 2025. Sau đó, số giảng viên sẽ được giảm còn 67.000, nhưng nghệ nhân, chuyên gia tăng lên 50.000. Số giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên tăng từ 50 lên 70%.

Kinh phí thực hiện quy hoạch được trích từ ngân sách nhà nước và địa phương.

Sinh viên Trung cấp kinh tế và du lịch Hà Nội trong buổi thực hành, tháng 12/2022

Sinh viên Trung cấp kinh tế và du lịch Hà Nội trong buổi thực hành, tháng 12/2022

Hiện nay, cả nước có hơn 1.900 trường nghề, gồm 400 trường cao đẳng, hơn 460 trường trung cấp và gần 1.050 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Tại Hội nghị về công tác truyền thông Giáo dục nghề nghiệp cuối năm 2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết năm vừa qua, các trường nghề tuyển được khoảng 2,45 triệu học viên, tăng 500.000 người so với năm 2021 và là con số cao nhất trong năm năm qua.

Phó tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình nhận lợi thế của giáo dục nghề nghiệp là số lượng ngành, nghề áp đảo. Hiện bậc trung cấp có khoảng 800 ngành, nghề, cao đẳng 400, chưa tính trình độ sơ cấp và các khóa học ngắn hạn, lấy chứng chỉ, trong khi cả nước có hơn 300 mã ngành xét tuyển đại học.

Do đó, ông Bình cho rằng trong năm tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tận dụng những ưu thế của mình, phối hợp với các trường THPT định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ cuối THCS và THPT. “Làm sao để học sinh, người dân hiểu về học nghề, thay đổi được quan niệm chỉ ai kém, dốt mới đi theo lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh yêu cầu lao động tay nghề cao như hiện nay”, ông nói