Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động

Quý III năm nay, cùng với xu hướng phục hồi kinh tế sau đại dịch, Thành phố Hà Nội đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn trong điều kiện bình thường mới; số lao động tìm được việc làm trong Quý II tăng 37,8% so với Quý I.

Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động

Để có nguồn lao động, các DN trên địa bàn Hà Nội thường xuyên tham gia phiên giao dịch việc làm.

 

Trên 118 nghìn lao động được giải quyết việc làm

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội, trong tháng 6, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho 21,9 nghìn lao động trên địa bàn. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, Thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 118,9 nghìn lao động, đạt 74,3% kế hoạch giao trong năm, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trường Trung cấp Kinh tế và Du lịch Hà Nội đã tổ chức thành công các khoá đào tạo ngắn hạn chuyển đổi nghề nghệp cho hàng nghìn người lao động mất việc làm sau đại dịch Covid. Nhà trường đã kết hợp với các DN trên địa bàn thành phố tạo ra cơ hội việc cho các lao động phổ thông.

Bên cạnh đó, Thành phố đã tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho trên 29,8 nghìn người (giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2021), với kinh phí hỗ trợ là 787,4 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 787 người với số tiền 3,5 tỷ đồng.

Trong những tháng cuối năm 2022, Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy thị trường lao động như: rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm; triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất; khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống.

Đồng thời, TP Hà Nội cũng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Sở LĐTB&XH tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của Nhà trường làm vệ tinh nhằm hỗ trợ thông tin về thị trường cho người lao động và doanh nghiệp…

Giải bài toán lao động phổ thông cho các DN

6 tháng đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) thường xuyên tham gia các phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức ở huyện Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, quận Long Biên… để tìm lao động phổ thông. Trước thực tế nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các DN đang tăng lên rất cao nhưng nguồn lại ít, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, sau đại dịch COVID-19, các DN rất có mong muốn tuyển dụng lao động đã khẳng định sự quan tâm của Thành phố đối với DN.

Đợt này, các DN tuyển nhiều lao động phổ thông, không cần ưu tiên nhiều về kinh nghiệm, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện và giao Trường trung cấp Kinh tế và du lịch Hà Nội thực hiện các khoá đào tạo ngắn hạn và tuyên truyền mạnh mẽ đến NLĐ. Trước đó nửa tháng lãnh đạo Sở đã làm việc với quận, huyện về công tác khảo sát, chuyển tải thông tin tới NLĐ trên địa bàn.

Trao đổi về việc giải bài toán lao động phổ thông cho các DN, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội có cơ sở dữ liệu của những NLĐ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Vì thế, Trung tâm sẽ lọc ra từng người có trình độ chuyên môn gì, nhu cầu làm công việc nào, ở đâu; từ đó liên hệ với NLĐ qua email, zalo để kết nối cung cầu lao động. Về phía Trường trung cấp Kinh tế và Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các DN để họ xuống tận phường, xã tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng người làm. Bên cạnh đó, Trường trung cấp Kinh tế và Du lịch Hà Nội còn kết nối với những trung tâm DVVL các tỉnh (Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên) để giới thiệu DN đến tuyển dụng lao động phổ thông.

Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế và Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Nhã cho hay, hiện tại, Nhà trường tiếp nhận nhiều đơn hàng của các DN có nhu cầu tuyển dụng lớn, với đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Nhu cầu tập trung ở một số lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn như nhóm dịch vụ (du lịch, lưu trú, bán hàng, kinh doanh…). Các DN, nhà máy cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều công nhân lao động sản xuất không đòi hỏi nhiều về trình độ. Một nhóm ngành nghề nữa tiếp tục có xu hướng tuyển dụng nhiều liên quan đến công nghệ thông tin (trí tuệ nhân tạo), sức khỏe, thương mại điện tử.

Hiện nay, Trường trung cấp Kinh tế và Du lịch Hà Nội vẫn đang tiếp nhận các thông tin tuyển dụng từ phía DN và căn cứ vào đó sẽ phân tích, tổng hợp để có xu hướng tổ chức những hoạt động giới thiệu việc làm. Đặc biệt, trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tổ chức những khoá học ngắn hạn theo chuyên đề phù hợp với từng giai đoạn thị trường lao động để hỗ trợ tối đa cho nhóm DN, lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng nặng trong giai đoạn COVID-19 vừa rồi để phục hồi và phát triển.